CHA MẸ ĐỪNG LO LẮNG – CHA MẸ HÃY ĐỒNG HÀNH CÙNG CON ĐƯỢC KHÔNG!
Tôi chưa thực hiện được cuộc khảo sát nào và cũng chưa tìm được bài báo, bài nghiên cứu hoặc tài liệu nào nói về mối quan hệ giữa “sự lo lắng của cha mẹ và những suy nghĩ/hành động tiêu cực của con cái phát sinh từ đó” nhưng với cá nhân tôi từ xưa và những gì tôi quan sát, ghi chép, lắng nghe từ những đứa trẻ có cha mẹ quá lo lắng, hoặc bày tỏ sự lo lắng quá mức về con, về hành động của con, hoặc chỉ lo lắng mà không làm gì cả thì tôi thấy rằng có NHIỀU ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC!
Tôi rất sợ phải nghe những câu từ đại loại như: “lo lắng”, “lo lắm”, “con làm mẹ lo quá”, “mẹ quá lo lắng cho con” , “tôi lo cho nó lắm, nó quá liều, nó quá …”,… và tất cả chỉ là những câu nói.
Hồi bé, thì khi nghe những từ đó tôi cảm thấy mình tệ: mình cố gắng, cố gắng để điều gì đó bớt đi nhưng dường như nó không phải là như vậy. Những người lớn xung quanh trẻ em thường nói với chúng rằng ” Con có cha mẹ rất tuyệt vời, lo lắng cho con cái suốt đời”. Nhưng họ đâu có biết đứa trẻ không thích điều đó. Đứa trẻ thường tự hỏi, mình đã làm gì để cha mẹ phải lo lắng? Hay lo lắng là gì vậy?
Tôi đã từng định nghĩa: Lo lắng là cảm xúc của bố mẹ khi mình điểm thấp, khi mình chưa làm gì đó vừa lòng, khi hỏi mình không trả lời kịp, khi mình làm một việc gì đó mà bố mẹ không thích, khi kết quả học tập của mình không đúng mong đợi, khi một ngày nào đó cha mẹ chợt thấy một đứa trẻ khác tốt hơn mình và giống như cha mẹ chờ mong…
Đến khi trưởng thành, hiểu được, biết được, trải qua và quan sát, thì tôi chấp nhận đó là thói quen của người lớn.
Người lớn thường hay nói từ đó, hay thể hiện cảm xúc đó, người có thói quen nói về sự lo lắng thường ít hiểu và đồng hành cùng đứa trẻ, thường kỳ vọng, thường không chấp nhận để đứa trẻ được trải nghiệm, được tự thấm các bài học theo mức độ của mình, thường nhìn vào kết quả thay vì tiến trình, thường ít hướng dẫn, giúp đỡ và tin tưởng.
Tôi đã gặp rất nhiều cha mẹ để Coaching về trạng thái lo lắng của cha mẹ đối với con của mình và khi tôi đặt câu hỏi “Anh/chị đã làm gì với lo lắng đó?” thì ít người nói được cụ thể hành động của mình. Đa số họ trả lời lệch câu hỏi sang hướng ” con tôi kém quá, tôi mong là,…” hoặc ” nó không nghe lời cha mẹ một tí nào? quá đáng lo” hoặc ” Nói nó có nghe đâu, mình bảo nó không được”…
Mới hôm qua, một cô học trò gọi cho tôi cầu khẩn về việc mẹ con quá lo lắng đến mức suy diễn và ảo tưởng. Mẹ con tưởng tượng ra ở nhà con sẽ chơi, ở nhà con sẽ ngủ, ở nhà con sẽ chat với bạn, ở nhà con không học hành gì,… Con chỉ mong mẹ con hãy tin con, cho dù con chơi, cho dù con ngủ, .. thì con cũng vẫn đã hoàn thành những việc mẹ con giao, nhưng mình làm nhanh quá thì bị nghi ngờ, làm chậm quá thì bị mắng, chung quy lại làm gì cũng làm cho mẹ con lo lắng. Làm thế nào để mẹ con bớt lo lắng và đồng hành cùng con?
Tôi nghe mà thương lắm, tôi nói với cô bé: “Cô tin con! Bởi vì, con là một cô bé có trách nhiệm, nếu thiếu trách nhiệm con sẽ không hoàn thành được việc, con là một cô bé có tình yêu thương, bởi vì nếu thiếu tình yêu thương thì con sẽ không hỏi cô là “làm thế nào để mẹ con bớt lo lắng”, con là một cô bé mong muốn có một cách tốt hơn, bởi vì nếu không phải vậy con chỉ bực tức, suy diễn chứ không chia sẻ. Tôi đã thấy cô bé khóc nấc lên, có thể là vì cả sự tổn thương lẫn sự thấu hiểu.
Tôi dám chắc, cô bé trên không phải là duy nhất, mà mọi người đều thế, trong đó có chúng ta ĐỂU MONG MUỐN CHA MẸ BỚT ĐI LO LẮNG VÀ ĐỒNG HÀNH CÙNG MÌNH.
Tất cả chúng ta đều trải qua hành trình giống như các con chúng ta, cũng làm trẻ em, cũng qua tuổi dậy thì, cũng nghịch, cũng yêu, cũng chơi, cũng lười biếng, cũng làm tỷ trò ngốc nghếch. Chúng ta cũng giống con chúng ta, chúng ta không thích bị đánh giá thấp, chúng ta không thích bị mắng mỏ, chúng ta sẽ nản chí khi nghe quá mức những điều tiêu cực, chúng ta sẽ bỏ cuộc không phải vì chúng ta không làm được mà là vì chúng ta không còn lý do để làm.
Vậy nên trước khi lo lắng hãy tự hỏi “Mình đã đồng hành cùng con mình những gì?”, hoặc khi mình nhìn thấy vấn đề khiến mình lo lắng hãy tự hỏi ” Nó đến từ đâu và bây giờ mình hành động như thế nào?”
Alpha có một anh phụ huynh, con anh ấy chơi game ghê lắm (giờ vẫn chơi), nó bảo vệ cái con đường mà nó chọn là vào công ty sản xuất game, nó học lúc thăng hoa, lúc rơi xuống tận cùng, nhưng tôi chẳng thấy anh ấy nói với tôi câu nào về sự lo lắng cả, anh ấy thường nói “Ba sẽ…. cùng con!’. Thật sự mỗi lần nghe câu đó, tôi xúc động lắm, tôi thấy cậu con trai thường cúi mặt xuống và lặng im, tôi biết nó đang xúc động giống tôi.
Anh ấy thành lập đội rèn thể lực cuối giờ học, vợ chồng anh ấy tạo ra các hành trình trải nghiệm mỗi dịp nghỉ, anh ấy ra quán game và lặng im quan sát… VÀ đến nay, cậu bé vẫn chơi game, vẫn là một đứa trẻ có giá trị, sống có đạo đức, trách nhiệm, cậu ấy vẫn chơi đàn, vẫn vươn lên trong học tập và VẪN ĐƯỢC CHA MẸ ĐỒNG HÀNH TRONG HẠNH PHÚC!
Đã có rất nhiều người QUẢNG GÁNH LO ÂU – ĐÓN CHÀO HẠNH PHÚC trong hành trình nuôi dạy con và tôi tin các gia đình đều thích quảng gánh lo âu đi, giữ chẳng ích gì!
Và cuốn sách này cũng rất nên đọc – áp dụng ạ!